Cơ hội để thúc đẩy kết nối, phát triển logistics tại Việt Nam và khu vực

Ngày 2/12, tại thủ đô Phnom Penh của Vương quốc Campuchia, Liên đoàn Hiệp hội Giao nhận ASEAN (AFFA) tổ chức cuộc họp thường niên lần thứ 33, với sự tham dự của đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp và Dịch vụ logistics (hậu cần) các nước Đông Nam Á nhằm thúc đẩy giao nhận hàng hóa thông qua hợp tác liên chính phủ và tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa thông qua dịch vụ vận tải đa phương thức, đơn phương thức giữa các thành viên và các nước trong khu vực.

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch AFFA Alvin Chua cho biết, AFFA đang ở trong thời điểm đầy thách thức và cơ hội. Trong nhiều năm diễn ra các hội nghị và cuộc họp thường niên, AFFA đã luôn nhất quán và gắn kết chặt chẽ với nhau trong việc theo đuổi và định hướng hướng tới kết nối logistics liền mạch trong ASEAN, đây cũng là chủ đề quan trọng của năm nay.

Theo Chủ tịch Alvin Chua, AFFA vui mừng chứng kiến sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ Campuchia đối với ngành logistics ở nước này, cũng như việc chính phủ nhận thức được tầm quan trọng của việc kết nối Campuchia thông qua logistics với các nước láng giềng ASEAN. Theo ông Alvin Chua, chính phủ các nước ASEAN đã đặt việc phát triển dịch vụ logistics – dù là về cơ sở hạ tầng hậu cần hay chiến lược tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại – và tăng cường kết nối nội khối ASEAN là ưu tiên hàng đầu. 

Ông Alvin Chua cho biết gần đây, AFFA đã chứng kiến sự phát triển và tiến bộ trong lĩnh vực vận tải đường sắt và đa phương thức, bao gồm việc triển khai “Hành lang thương mại đường bộ-đường biển quốc tế” mới, kết nối nhiều quốc gia ASEAN với Trung Quốc và thúc đẩy vận tải đường sắt xuyên quốc gia, mang lại khả năng kết nối cho các quốc gia thành viên ASEAN với châu Âu. Với phần lớn cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần vật chất hiện có, điều cấp thiết hiện nay là chính phủ các nước ASEAN phải xem xét thúc đẩy kết nối hậu cần liền mạch nội khối.

Theo ông Alvin Chua, từ cuộc họp gần đây nhất của AFFA với Ban Thư ký ASEAN, việc đưa Công cụ tra cứu biểu thuế ASEAN vào nền tảng kỹ thuật số AFFA, tạo ra Chương trình nhà điều hành kinh tế được ủy quyền (ASEAN AEO) và thúc đẩy Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS), sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới giữa các nước ASEAN.

Hệ thống thanh toán xuyên biên giới khu vực mới được các nước ASEAN triển khai gần đây có thể tăng cường hội nhập tài chính, đưa ASEAN đến gần hơn với mục tiêu gắn kết kinh tế. Chương trình này nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thanh toán thương mại xuyên biên giới, đầu tư, chuyển tiền, hướng tới một hệ sinh thái tài chính toàn diện trong ASEAN. 

Chủ tịch AFFA bày tỏ hy vọng các hội nghị và cuộc họp thường niên AFFA sẽ nghiêm túc thảo luận, cân nhắc và quyết định những gì liên đoàn cần làm để đạt được mục tiêu kết nối logistics liền mạch trong ASEAN.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Đào Trọng Khoa cho biết phát triển bền vững và chuyển đổi số là một trong những lĩnh vực nằm trong xu thế phát triển hiện nay và được AFFA chú trọng, quan tâm. Hiện nay, chương trình làm việc về phát triển bền vững và chuyển đổi số của nhóm công tác tập trung vào việc đào tạo cho các hội viên nhận thức đầy đủ về quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, AFFA cũng tập trung vào các giải pháp cụ thể như phát triển các công cụ đo lường carbon, qua đó đưa ra lộ trình để cắt giảm phát thải. 

Phó Chủ tịch Đào Trọng Khoa cho biết logistics là một quá trình vận chuyển hàng hóa đi kèm với việc xử lý những luồng thông tin. Chính vì vậy chuyển đổi số sẽ giúp cho các công ty cung cấp dịch vụ logistics có khả năng đảm bảo được luồng thông tin hiệu quả hơn, cắt giảm chi phí cho quá trình vận chuyển. Ngoài ra, chuyển đổi số cũng góp phần cho quá trình chuyển đổi xanh.

Ông Đào Trọng Khoa nhấn mạnh VLA đang đóng vai trò dẫn dắt trong Ủy ban về phát triển bền vững và chuyển đổi số AFFA. Qua đó, thể hiện sự hội nhập năng động, tích cực và chủ động của VLA.

Đoàn công tác của VLA chụp ảnh cùng Bí thứ thứ nhất phụ trách kinh tế của ĐSQ Việt Nam tại Campuchia và đại diện CIFA

Trong khuôn khổ sự kiện lần này diễn ra nhiều hoạt động như báo cáo thường niên với các ban chuyên môn và lãnh đạo AFFA, xúc tiến cơ hội kinh doanh cho hội viên VLA với các hội viên của các hiệp hội khác, đặc biệt là Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Campuchia (CLA). Các thành viên AFFA cũng trình bày báo cáo quốc gia về các hoạt động của ngành cũng như của hiệp hội trong năm 2023. 

Ngoài ra, sự kiện còn có sự tham gia của các hiệp hội logistics ngoài khu vực ASEAN như Trung Quốc (CIFA), Nhật Bản (JIFFA) và Hàn Quốc (KIFFA). Qua đó, mở ra cơ hội để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics các nước gặp gỡ, trao đổi công việc và kết nối lâu dài trong ngành logistics nói riêng và dây chuyền quản lý chuỗi cung ứng nói chung.  

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Tổng Thư ký VLA Nguyễn Duy Minh cho biết báo cáo thường niên của đoàn Việt Nam tập trung vào các công tác nổi bật về hợp tác quốc tế, cũng như tạo cơ hội giao thương cho các hội viên. Về hội nhập quốc tế, năm nay, Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị thường niên khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) tại Đà Nẵng và nhận được sự quan tâm của các lãnh đạo FIATA. Qua đó, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và FIATA để phát triển hoạt động logistics cũng như hướng đến cắt giảm chi phí logistics tại Việt Nam. 

Ông Nguyễn Duy Minh cũng nêu rõ Việt Nam coi trọng việc mở rộng thị trường, hợp tác với dự án “Hộ chiếu logistics thế giới” – World logistics passport (WLP) của Chính phủ Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Đây là cơ hội tốt để đưa các sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, tiếp cận các thị trường mới ở châu Phi và Mỹ Latinh; đồng thời cũng là những kinh nghiệm mà VLA có thể chia sẻ cho các hiệp hội logistics trong ASEAN để các nước cùng nhau phát triển.

Theo TTX Việt Nam